Thứ Năm, 18/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Những người vẽ cánh đồng

Nguyễn Văn Đạo dẫn tôi băng qua những vạt ruộng anh vừa gặt xong: "Xưa kia, nơi đây là vùng đầm phá nước lợ rộng mênh mông kéo dài suốt hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy của tỉnh Quảng Bình. Phá Hạc Hải. Chúng tôi đã biến phá nên đồng để trồng lúa".

Nguyễn Văn Đạo là nông dân thứ thiệt của xứ đồng Lệ Thủy, từ giọng nói đến dáng đi, từ tâm tính cốt cách đến phong thái diện mạo, chất phác nhưng quyết liệt, hiền lành mà khẳng khái như đất đai, nắng gió quê anh. Gặp Đạo, tôi mới nhận ra điều cốt tử của đất và người Lệ Thủy, sự gắn bó hòa quyện và cả xung đột khốc liệt giữa con người với thiên nhiên chính là động lực cho nơi đây phát triển.

Nhẹ nhàng lái con thuyền lá tre mỏng mảnh trôi êm giữa những cánh đồng trĩu hạt hứa hẹn mùa tái sinh bội thu tiếp theo, Đạo kể cho tôi nghe về quê mình, về phá Hạc Hải và sự nghiệp mở đất của người Hồng Thủy: "Hồng Thủy quê tôi hiếm đất. Phía sau là điệp trùng đồi cát kéo dài ra tận biển. Phía trước chỉ có một vệt đồng hẹp, xong là đến vời.

Cánh đồng phá Hạc Hải.

Người Hồng Thủy gọi phá là vời, nghe nó mênh mông xa thẳm mà nhẹ nhàng gần gũi. Nước trước, nước sau, không trách chi người ta gọi là Hồng Thủy. Một thời lương thực thiếu thốn, hột lúa quý như hột vàng, không có ruộng thì không có gạo ăn?! Tôi và bà con trong làng rủ nhau ra lấn phá, đào đất ngăn đê mở ruộng".

Trong lịch sử, việc ngăn mặn giữ ngọt phá Hạc Hải để trồng lúa đã từng xảy ra từ đầu thế kỷ XX. Đó là khi nhà điền chủ Bùi Huy Tín ở Huế được cho phép ra Quảng Bình quản lý khai thác nguồn lợi thủy sản của vùng đầm phá này. Thấy nơi đây thuận cho canh tác nông nghiệp, ông nảy sinh ý tưởng đắp đê ngăn phá để trồng lúa.

Lúc bấy giờ, ý tưởng của ông Bùi Huy Tín được cho là rất táo bạo và liều lĩnh. Cuộc chinh phục thiên nhiên do ông khởi xướng là sự đối đầu của ngày và đêm. Ngày, con người đào đất đắp đê. Đêm, sóng gió sình lầy kéo vỡ. Mặt nước bao la của phá Hạc Hải trêu ngươi tham vọng của con người. Tốn công, hao của,  Bùi Huy Tín bỏ cuộc. Đến nay vẫn còn một đoạn đê ông cho đắp sót lại giữa phá, cỏ cây năn lác mọc lên um tùm, bà con coi đó là di sản của tiền nhân không nỡ phá bỏ, gọi là đê ông Bùi.

Đạo nói rằng "Ông Bùi Huy Tín chủ quan khi dùng sức người cho đắp cả con đê bằng đất kéo từ múi phía Bắc phá sang đến An Lạc, Lộc Thủy. Như vậy là quá dài. Trong điều kiện sóng gió Hạc Hải chướng nghịch thế này thì rất khó giữ. Tôi và bà con ở đây chỉ đắp những con đê quai vạc ngăn ngắn, khoanh thành từng mảnh ruộng nho nhỏ. Cứ khoanh vậy rồi mở rộng dần, xem ra lại hiệu quả! Vả lại không phải cứ muốn làm là làm. Quai đê lấn phá thường bắt đầu vào mùa gió nam, sau vụ thu hoạch lúa đông xuân hàng năm. Mùa gió bấc, không ăn mần chi được vì sóng to, gió mạnh. Ăn ngủ với bùn đất. Hít thở với bùn đất. Lụt không lo. Chỉ lo lũ. Đêm nằm lưng không bén chiếu, sốt ruột sốt gan không chịu nổi, buổi sáng ra đồng chẳng thấy đồng đâu, chỉ thấy nước mà trong lòng ngao ngán không nói nên lời. Có năm nước từ thượng nguồn đổ về bất ngờ, cuốn trôi hàng chục mét đê liền. Làm ruộng cạn cực trăm đường. Làm ruộng vời còn cực nhiều hơn nữa. Nhưng nghiệp nông nó vận vào đời rồi, không lặn lội lấm láp bùn đất e lại... buồn".

Khoảng từ hai chục năm trở lại đây, nhân dân 8 xã sống quanh Hạc Hải từ Hồng Thủy sang Lộc Thủy, Hoa Thủy (huyện Lệ Thủy) kéo miết xuống Gia Ninh, Võ Ninh rồi băng sang Tân Ninh, Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh) đã đầu tư hàng chục tỷ đồng và hàng trăm ngàn ngày công làm thủy lợi, khai hoang  hơn 600 ha ruộng vời trồng lúa, cho thu nhập mỗi năm hàng trăm tấn thóc. Riêng Hồng Thủy có 220 hộ tham gia khai hoang gần 200 ha.

Thôn Mốc Thượng 1 nằm bên bờ Hạc Hải, đa số người dân trong thôn có ruộng vời. Trận lụt kinh hoàng tháng 10 năm 2020 sóng nước từ phá dồn vào, rất nhiều ngôi nhà bị kéo sập. Tan hoang đến nỗi người ta đặt cho Mốc Thượng 1 một cái tên buồn: Thôn nhà sập. Rất may, sau lụt lúa được mùa to, rơm vàng ngập đường làng, nụ cười trở về thay dòng nước mắt lăn dài ngày chạy lụt năm trước "Được mùa, bầy tui có thêm chút tiền làm nhà rồi O nạ! Nhiều thửa ruộng ngoài vời bị lụt xóa sổ, gặt xong, nước thấp bầy tui ra đắp lại chuẩn bị cho mùa sau. Bỏ chi thì bỏ, nỏ nỡ bỏ ruộng vời!". 

Nắng như rót mật xuống cánh đồng. Óng vàng và sóng sánh. Đạo kể với tôi về cuộc sống người dân vùng đầm phá. Nghèo nhưng không đói. Chăm chỉ là có ăn. Nò, đáy, nơm, rập, chẹp, oi, trúm... treo lủng lẳng đầu hồi. Năn, lác rẽ quạt phơi trên sân. Rơm rạ, rong rêu quấn quýt bên hiên. Bình yên và hiền hòa quá đỗi. Mùa lúa trồng lúa. Mùa chim bẫy chim. Thả lưới. Xúc hến. Trúm lươn...

Ở xứ đồng, sau mùa gặt con gì cũng béo. Vịt trời, gà nước tròn quay. Cá rô, cá giếc vàng ươm. Rạm, dam căng yếm... Rạm là thức ăn quen thuộc của cư dân vùng đầm phá. Rạm cùng họ nhà cua đồng nhưng sống trong môi trường nước lợ. Đạo vẫn còn nhớ những đêm tối trời, cha con anh cùng bà con trong xóm rủ nhau chèo thuyền ra phá vớt rạm. Sau mùa gặt, tóoc rạp, rơm khô, nước triều lên là lúc rạm sôi, bu bám kết bè theo các cọng tóoc trôi dày trên mặt phá. Người ta chỉ cần chống thuyền đứng đợi sẽ vớt được rất nhiều rạm một cách dễ dàng. Rạm là món ăn quen thuộc của người dân Lệ Thủy.

Rạm rang muối giòn ngọt. Riêu rạm sánh vàng nấu đủ thứ món, từ canh rau tập tàng thơm dậy gian bếp nhỏ đến cháo bánh canh Quảng Bình trứ danh, từ chả rạm dẻo thơm đến rạm chiên bơ béo ngậy.

Nhưng, Đạo không bao giờ quên món rạm khô mạ anh thường cất trong thùng. Đó là do rạm nhiều quá không làm gì cho hết, mạ đem hấp chín, phơi khô dự trữ ăn dần. Mùa đông mà có rạm rang ăn cùng cơm nóng thì tuyệt không thể tả. Phi thơm chút mỡ với tý nén đập dập rồi cho mươi chú rạm vàng rộm vào đảo đều, xóc chút mắm đường nữa là xong.

Đơn giản, nhanh gọn mà thơm điếc mũi xóm giềng. Giờ đây Hạc Hải không còn như xưa, đập thủy lợi Mỹ Trung ngăn đôi dòng Kiến Giang, mặn ngọt khó giao hòa nên các loại sinh vật đặc trưng của môi trường nước lợ, chim trời, cá nước, tôm cua, ốc ếch cũng hiếm hoi dần, nhưng nhân dân  lưu vực sông Kiến Giang, phá Hạc Hải muôn đời vẫn thế, chỉ quen ăn hột gạo đồng mình, ăn con cá, con tôm ngoài phá, nhỏ một tí, ít ỏi một tí nhưng nồi cơm có mùi thơm riêng,  tréc cá có vị ngọt riêng. Sơn hào hải vị không thay được những món ăn đồng quê chân chất.

Đi thăm đồng cùng Đạo, xem những tấm ảnh bạn tôi chụp Hạc Hải từ trên cao, thấy người nông dân Lệ Thủy là những họa sỹ siêu đẳng, họ đã vẽ nên bức tranh cánh đồng trên mặt phá, tô màu bằng họa phẩm của nước và cây. Mỗi đoạn đê là một nét vẽ. Mỗi thửa ruộng là một mảng màu. Màu lúa, màu nước, màu trời biến ảo diệu kỳ. Hạc Hải mênh mông mà không hoang vắng. Hạc Hải còn ẩn chứa quá nhiều thú vị!

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi