Thứ Bảy, 20/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua trang phục xưa và nay

Từ thuở khai thiên lập nước thời Hùng Vương: Khác với nhiều tranh ảnh, sách truyện thường minh họa trang phục phổ biến thời này là nữ mặc yếm và váy ngắn khá sơ khai, theo nhiều khảo sát có cơ sở khoa học vững chắc, các nhà nghiên cứu đã khẳng định ngay từ thời kỳ đầu mở nước, nghệ thuật dệt vải đã ở trình độ cao, với ít nhất hai loại vải dệt từ cây và sợi. Những hoa văn trên mặt trống đồng hay hình khắc trên cán dao bằng đồng có từ thời kỳ này cho thấy phục trang Việt đã được định hình rất rõ nét. Đây cũng chính là căn nguyên cho bản sắc văn hóa thể hiện trong y phục truyền thống của người Việt Nam hiện nay. Theo đó, cả trang phục nữ giới và nam giới đều đã được phân biệt rõ rệt, trong đó trang phục dành cho phái nữ phong phú và mang giá trị nghệ thuật hơn cả.

 


Trang phục của phụ nữ thời Hùng Vương


Trang phục của phụ nữ thời Triều Lý


Trang phục triều đại nhà Mạc


Trang phục triều đại Hậu Lê

Cùng với lịch sử phát triển của dân tộc trải qua 4000 năm xây dựng đất nước và chống giặc ngoại xâm, các kiểu trang phục có sự khác nhau ở các thời ký phong kiến, có sự khác biệt trong trang phục giữa các giai tầng trong xã hội song vẻ đẹp của người phụ nữ cho dù ở giai cấp và tầng lớp nào cũng được thể hiện trong những trang phục mà họ mang.

 

Trang phục thời nhà Nguyễn

Đến thế kỷ 19,20, áo dài bắt đầu trở thành thứ trang phục không thể thiếu trong đời sống xã hội Việt, từ các bà hoàng, công chúa trong hoàng cung với các kiểu áo dài được may trang trọng, quý phái bằng chất liệu gấm, thêu chỉ vàng… đến các bà, các cô vận áo dài đến trường, đến công sở, ra chợ, dạo phố. Một thời gian dài trong thế kỷ 19-20, áo dài đã trở thành một loại thường phục được nam phụ lão ấu trên đất Việt yêu chuộng. Trải qua nhiều biến động lịch sử, cùng với sự du nhập của khuynh hướng thời trang phương Tây, áo dài đã có nhiều cải tiến theo từng trào lưu nhất định. Tuy nhiên, dù ở bất kỳ trào lưu cải cách nào, từ áo dài Le Mur, áo may dạng chít eo hay cổ thuyền theo “mốt” Trần Lệ Xuân đến các loại áo dài vạt dài sát đất như hiện nay, áo dài vẫn chứng tỏ khả năng bất biến mà không phải loại trang phục nào cũng làm được: đó là tôn lên vóc dáng và nét đẹp quyến rũ dịu dàng cho người phụ nữ Việt Nam.

Trang phục từ giữa thế kỷ 20 đến nay

Không chỉ những trang phục truyền thống đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của dân tộc Việt như áo dài, áo bà ba, áo tứ thân mà Việt Nam vốn là mảnh đất sinh sống của 54 dân tộc anh em. Mỗi trang phục dân tộc lại có nét văn hóa đậm đà của riêng dân tộc mình như nét đẹp tinh tế, kín đáo nhưng mang đầy tính nghệ thuật trong trang phục của những cô gái Thái, gái Mường. Trang phục thể hiện được nét đẹp khỏe khoắn của những cô gái Ê đê, Gia Lai...hay vẻ đẹp rực rỡ mà kiêu sa của những cô gái Mông, Giao...

Trang phục truyền thống của Người Thái

Trang phục người Mường

Trang phục truyền thống của Người Ba Na

Trang phục truyền thống của người Ê- đê

Trải qua những giai đoạn chiến tranh ác liệt chống lại kẻ thù cướp nước thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mặc dù không quá chú trọng đến cách ăn mặc và làm đẹp nhưng người phụ nữ Việt Nam trong lao động hay chiến đấu vẫn thường sử dụng các loại trang phục đơn giản, tối màu, thuận lợi nhưng vẫn không làm lu mờ đi vẻ đẹp trong cốt cách và tâm hồn người phụ nữ Việt: công, dung, ngôn, hạnh và đẹp theo tiêu chí mới bất khuất, trung hậu, đảm đang.

Những điều tốt đẹp của nền kinh tế thị trường mang lại cho chúng ta để chúng ta trở nên năng động hơn và hoàn thiện hơn về nhân cách con người. Song có lẽ chúng ta cũng thấy được một số những mặt trái của nó mang lại, đó chính là sự xuông cấp về nhận thức, về nhân cách của một bộ phận giới trẻ thích văn hóa lai căng, đua đòi, thích thể hiện nên ăn mặc phản cảm, không giữ đúng thuần phong mỹ tục tốt đẹp của người Phụ nữ Việt Nam. Đây chính là những hành vi mà tôi cùng các bạn, những người Phụ nữ của xã hội hội nhập phải lên án, phê phán và đấu tranh để giá trị cao đẹp trong trang phục và phẩm hạnh người Phụ nữ Việt Nam được nâng niu và gìn giữ.

Trang phục truyền thống của Việt Nam

 

Nói về vẻ đẹp của người phụ nữ, từ cổ chí kim, đời này qua đời khác, bao giờ người ta cũng đề cập tới hai phương diện: hình thức và tâm hồn. Điều này, thể hiện ước vọng về một vẻ đẹp hoàn hảo trong cuộc sống ở một đối tượng được cho là hiện thân của cái đẹp - người phụ nữ. Trang phục đẹp sẽ làm ta tự tin nhưng không có nghĩa nó sẽ che mờ đi nhân cách, trang phục không đẹp không có nghĩa là người phụ nữ ấy xấu. Chỉ khi nào chúng ta giữ được cả vẻ đẹp bên ngoài cùng với vẻ đẹp tâm hn bên trong với những giá  trị cốt lõi của đạo đức và phẩm hạnh thì lúc đó chúng ta luôn đẹp trong mắt mọi người đối diện. Để phấn đấu gìn giữ và phát huy vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam nói chung và vẻ đẹp của trang phục Việt nói riêng đó là hướng tới xây dựng một người phụ nữ đẹp toàn diện, năng động, tri thức, góp phần điểm tô cho cuộc sống, cho đất nước, đúng như Bác Hồ đã ca ngợi: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Bài: Hội PN cơ sở 1 trường Cao đẳng CSND I

Ảnh: Lê Trang – Phòng Hành chính Tổng hợp. (Trích nguồn ảnh: Sưu tầm Internet)

Biên tập: Lê Trang – Phòng Hành chính Tổng hợp.

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi