Chủ Nhật, 6/10/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Người Mẹ Vĩnh Linh
Ảnh minh họa

Chiều nay trở lại Quảng Trị, về thăm mẹ sau gần một năm, nhìn thấy mẹ tôi lại nhớ tới đôi câu thơ:     

“Thêm một người trái đất sẽ chật hơn

Nhưng thiếu mẹ, thế gian đầy nước mắt.”

Thi thoảng nghĩ về câu đồng dao ấy, tôi cứ nghĩ rằng nó chỉ đúng đối với người đã thân sinh ra mình mà thôi, nhưng giờ tôi chợt nhận ra rằng, tiếng “Mẹ” thân thương ấy tôi đã không chỉ dành cho riêng một người. Mẹ không phải là người đã mang nặng đẻ đau ra đứa trẻ là tôi, Mẹ không có công dưỡng dục tôi suốt mười mấy năm trời, Mẹ không phải là người kề vai sát cánh bên tôi, nâng niu từng bữa ăn giấc ngủ cho tôi, Mẹ chỉ là người đã ở bên tôi suốt gần một tháng ròng. Chúng tôi về thực tập chính trị xã hội ở tại nhà mẹ, hơn hai mươi ngày, là quãng thời gian ngắn ngủi giữa những tháng ngày dài rộng trong cuộc đời, tuy vậy, đó cũng lại là những ngày chan chứa tình yêu thương.

 

Từ ngày tôi về ở cùng Mẹ mới đấy thôi nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại cũng đã gần một năm trời. Mẹ vẫn thế, không chút thay đổi, vẫn là người phụ nữ của gia đình, cần cù làm lụng, chăm chút cho cháu cho con. Những ấn tượng về Mẹ trong tôi thuở nào vẫn không phai nhạt. Gặp lại Mẹ, cảm xúc lúc trước như vẫn còn nguyên vẹn, gợi lại trong tôi bao kỉ niệm thuở ban đầu.

 

Mẹ, người phụ nữ đã từng đi qua chiến tranh nhưng không phải là một người phụ nữ anh hùng, xông pha vào giữa đạn pháo. Mẹ chỉ là một người đàn bà bình thường, giản dị giữa cuộc sống thường nhật nơi chốn làng quê nghèo khó. Dáng hình Mẹ đậm chất của một người lao động theo nghề nông. Làn da ngăm ngăm pha những chấm đồi mồi, đôi bàn chân nhiều vết nứt nẻ và lúc nào cũng vương đầy bụi đỏ. Đôi bàn chân ấy đã trải qua bao mùa nắng mưa lam lũ. Ngày chôn chân dưới nước nơi những cánh đồng lúa trải dài; ngày thoăn thoắt trên vườn tiêu, nương khoai không kể nắng gió. Mẹ đã làm ra hạt gạo cho con cho cháu. Bao nhiêu năm làm một người lao động vất vả, tất cả đã tạo nên Mẹ, một người phụ nữ chăm chỉ, lanh lẹn, cần cù làm lụng và mái đầu đã nhiều sợi bạc.

 

Ba mất gần một năm, mảnh vườn sau nhà, nương tiêu, nương khoai, ruộng lúa…đều do bàn tay Mẹ cùng đứa con rể chăm nom, cày xới. Mùa mưa chuẩn bị kéo về, ngày ngày Mẹ lên nương trồng khoai, trồng môn. Sáng, Mẹ lại đẩy xe rùa cùng túi phân bón lên nương để vun trồng. Một buổi phụ giúp Mẹ, tôi mới thấm thía cái mệt nhọc, vất vả của Mẹ mỗi ngày. Một đứa đã gần 20 tuổi đầu như tôi kéo chiếc xe được một lúc đã cảm thấy đôi vai rã rời, đôi chân cũng mỏi. Thế nhưng Mẹ ngày nào cũng đều đặn làm công việc ấy, công việc nặng nhọc hơn, Mẹ không để cho tôi làm. Mẹ còn khỏe hơn cả một đứa thanh niên là tôi! Mẹ chân trần đi qua từng luống khoai, lầm lũi trên mảnh đất đỏ màu mỡ do chính tay Mẹ vun trồng; bàn chân đi qua biết bao vụ lúa, lấm lem màu đỏ của mảnh đất bấy lâu Mẹ làm lụng. Người phụ nữ ấy đã sống một cuộc sống bình dị, vất vả như thế mong mang lại những cuộc sống đủ đầy cho gia đình, cháu con.

 

Mẹ, người phụ nữ luôn luôn tận tụy, hết lòng vì gia đình, làng xóm! Ngày về nhà Mẹ, tôi ấn tượng bởi những đồ đoàn bày trước di ảnh của ba. Không đơn thuần chỉ là bát hương, đĩa chén nước, ngọn đèn, trên bàn thờ ba còn có cả bánh trái và đĩa thức ăn còn mới. Cả những ngày sau này cũng thế, tôi mới biết rằng, từ khi ba mất, ngày nào Mẹ cũng cúng cơm cho ba. Không bữa sáng thì bữa trưa, bữa tối; lúc chén cơm, lúc bát canh, lúc đĩa bánh sắn do chính tay Mẹ làm. Nhà nấu thức gì Mẹ cũng dành cho ba một phần riêng. Bánh kẹo và quả tươi không bao giờ thiếu vắng trên chiếc bàn thờ của ba. Ba đi rồi, các con cũng xa nhà, Mẹ cùng đứa cháu nhỏ làm vui. Cô con gái ở gần nhà ngày vẫn về sinh hoạt cùng Mẹ, nhưng những ngày tháng đầu mệt mỏi của một bà bầu ốm yếu khiến chị chẳng thể làm được việc gì nhiều. Mọi việc trong nhà từ nấu ăn, giặt giũ, rửa bát…đến nương vườn đều do một tay Mẹ quản. Thằng Tí cũng quấn lấy Mẹ, bát cơm không phải của mẹ nó đút thì cũng là tay Mẹ cho ăn chứ không phải của một người nào khác. Có lần tôi thử nó để tôi đút cơm cho nó ăn nhưng nó hét toáng “Không! Không” và chỉ đòi lấy mệ. Mẹ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cả ngày trên nương, tối về lại lo từng bữa cơm rồi tắm giặt cho đứa cháu nhỏ. Đêm Mẹ cũng ngủ cùng nó, đặt tay lên người nó rồi hát ru nó ngủ. Thi thoảng, đang nằm, tôi lại nghe tiếng Mẹ hát cho cháu, những bài hát cho trẻ mà đến nay tôi vẫn nhớ. Có lúc, Mẹ làm tôi chạnh lòng và nhớ về những kí ức tuổi thơ, cũng có một thời, tôi được mẹ tôi hát cho nghe như thế!

 

Hai đứa tôi ở lại nhà Mẹ chỉ trong thời gian ngắn nhưng tình cảm dường như đã đong đầy từ lâu lắm. Ngày mới về, tôi vẫn ngại ngùng gọi bác nhưng Mẹ lại xưng hô với chúng tôi một tiếng “Mẹ” đầy trìu mến. Qua bữa đầu rồi cũng quen, đi đâu, nói chuyện với ai, tôi cũng bảo “Mẹ nhà tớ….” thế nọ, thế kia. Mấy đứa bạn tôi cứ ngạc nhiên hỏi lại “Mẹ mày vào trong này thăm mày à?” và tôi cười. Bởi có gia đình nào xưng hô thân thiết được như chúng tôi và Mẹ đâu! Một đứa Việt, một đứa Lào, Mẹ kể lại ban đầu Mẹ cũng lo lắng nhiều lắm. Mẹ lo đứa Việt ở miền Bắc vào đó lại khó nghe, còn đứa Lào sợ nó không hiểu, cho đến khi biết đứa Việt ở miền trung và đứa Lào cũng nói khá sõi Mẹ mới nhẹ nhõm phần nào. Mọi nếp sống sinh hoạt nhỏ nhặt của từng đứa Mẹ đều để tâm và chú ý. Ngay từ hôm đầu tiên đi chợ, Mẹ bảo tôi mua găng tay vệ sinh, Mẹ cứ tưởng tôi ở nhà dùng quen, vào đây không dùng lại hại da trong khi tôi đâu cần đến thứ đó. Mua bánh mì ăn sáng, lần đầu, tôi bảo người ta lấy một cái đầy đủ nhưng không cá, những lần sau mua bánh, dù tôi có đi cùng Mẹ cũng chẳng cần hỏi mà bảo người bán làm luôn cho tôi một chiếc như thế. Rồi khi vào bữa cơm, biết đứa con Lào chỉ dùng thìa, hôm nào có dọn mâm Mẹ cũng lấy thêm một chiếc thìa cho nó. Và một lần, tôi đi theo đội văn nghệ và ở lại bên nhà bạn ở xã khác không về, biết đứa con Lào sợ ngủ một mình, tối hôm  ấy, Mẹ đã ngủ cùng nó cho đến khi con gái Mẹ trở về nhà của chị Mẹ mới ra ngủ cùng đứa cháu. Mẹ là thế, lo lắng, quan tâm, chu đáo tới cả những điều vụn vặt của từng thành viên trong gia đình nhỏ bé.

 

Những ngày gần cuối, Mẹ nhắc nhiều đến chuyện sau này, Mẹ dặn hai đứa bao giờ ra trường hay cưới chồng nhớ gọi điện cho Mẹ, Mẹ sẽ đến chúc phúc cho hai đứa. Riêng với đứa con Lào, Mẹ sẽ sang cả Viên-chăn để tham dự lễ cưới của nó, không quản ngại đường xa hay khó khăn tiền bạc. Ánh mắt Mẹ ngời sáng và Mẹ cười sang sảng khi tính đến những chuyện tương lai làm chúng tôi cũng vui vẻ cười theo. Hôm cùng chúng tôi chụp bức ảnh gia đình, Mẹ chọn bộ váy truyền thống mà đứa con Lào đưa cho. Mẹ cười bảo chụp một kiểu mặc bộ váy này rồi tí nữa lại mặc áo dài chụp cùng đứa con Việt. Trong tấm ảnh gia đình, gương mặt Mẹ rạng rỡ, miệng cười tươi tắn, gương mặt cùng nụ cười ấy đã in dấu trong tâm trí tôi, khắc sâu vào trong trí nhớ của tôi về Mẹ!

 

Đêm trước ngày chia tay, Mẹ chuẩn bị cho chúng tôi đầy đủ mọi thứ để lên đường. Mẹ hái mít và để dành bơ nhà cho chúng tôi mang ra Hà Nội, Mẹ còn gửi thêm mấy lon tiêu về làm quà cho bố Mẹ tôi ngoài này. Buổi hôm ấy, tôi, Mẹ và bạn Lào ngủ cùng nhau. Mẹ nằm giữa hai chúng tôi thì thầm to nhỏ những câu chuyện be bé về đêm mà đấm ấm tình thân. Sáng sớm, Mẹ cùng chúng tôi lên ủy ban xã để tập kết, lúc nhận ra hai đứa tôi chưa có nước, Mẹ vội vàng mua rồi len lỏi giữa hơn trăm con người trên khoảnh sân nhỏ để tìm đưa cho chúng tôi. Mẹ chu đáo là thế, thiếu một chút gì cũng lo lắng không xong. Khi đồ đoàn đã xếp lên xe, tôi trở xuống tìm Mẹ và chợt nhận ra Mẹ cũng đang đi tìm chúng tôi. Tôi biết, chúng tôi đi rồi, Mẹ sẽ buồn nhiều lắm! Có cô đến chào tạm biệt chúng tôi cũng bảo: “Mấy đứa đi rồi Mẹ buồn lại ở nhà khóc thôi”. Tôi yêu tiếng cười của Mẹ, tiêng cười vui vẻ, sảng khoái của Mẹ nhưng buổi sáng ấy, tôi không còn nghe thấy tiếng Mẹ cười nữa. Mẹ, tôi và đứa con Lào của Mẹ, ba người nơi một góc đường đứng ôm nhau không kìm được nước mắt, Mẹ dặn dò chúng tôi trong tiếng nấc nghẹn ngào: “Ra trường nhớ gọi điện về cho Mẹ nghe, nhớ giự gìn sức khỏe nghe!” Chất giọng nằng nặng của con người Quảng Trị ấy làm lòng tôi ấm áp nhiều lắm, tự nhủ rằng sau này, tôi sẽ lại quay về thăm Mẹ nhé!

 

Chiều hôm ấy, theo lời của một người thầy, người anh đồng hương với tôi kể lại tôi mới biết  rằng, buổi sáng Mẹ còn tìm anh để chào tạm biệt dù anh chỉ dùng với Mẹ một bữa cơm. “Sáng anh đi, bà cũng ôm anh khóc. Ra ủy ban mới thấy nhiều tiếng khóc rung bật lên từ bà con và các em học viên. Anh quay mặt đi vì không cầm được nước mắt!” Không khí cái buổi chia tay thực sự buồn quá, cả tôi, cả Mẹ, cả những gia đình khác đều có chút gì lưu luyến chẳng muốn buông! Đến ngày hôm nay, tôi mới thấm thía hết câu “đi dân nhớ, ở dân thương” là như thế nào! Tình nghĩa của Mẹ, của con người nơi đây sao chứa chan, dạt dào đến thế!

 

Thời gian ngắn ngủi cho những tình cảm yêu thương vừa chớm. Chẳng mấy người được may mắn như tôi, được có thêm một người mẹ giữa dọc dài đất nước. Thời gian thực hành chính trị - xã hội là quãng thời gian tôi không bao giờ quên. Chính thời gian ấy đã cho tôi những kỉ niệm, những khoảnh khắc và tình cảm khó phai với con người và mảnh đất thân thương ấy. Những ngày ở cùng mẹ, hai đứa tôi và Mẹ, ăn với nhau, ở với nhau, làm với nhau và ngủ cùng với nhau như những người thân ruột thịt. Quãng thời gian ấy tuy không dài nhưng lại ăm ắp kỉ niệm và sẽ chẳng bao giờ có thể trở lại được nữa. Dòng đời ngược xuôi, ai rồi cũng sẽ khác nhưng chắc chắn một điều rằng tôi sẽ luôn nhớ về Mẹ, người Mẹ nghèo thân thương! Mượn lời nhà văn Tô Hoài khi viết về Tây Bắc, tôi cũng muốn nhắn gửi tới Mẹ: “Mảnh đất và con người nơi đây đã để thương, để nhớ cho tôi nhiều quá!”.

 

Quảng Trị, mảnh đất cằn khô, hạnh phúc khó mỉm cười với con người. Nơi ấy, những cơn gió Lào thổi suốt cả mùa hạ, thổi suốt một đời. Vậy mà, đó là nơi gửi về bao thương nhớ của những người con như chúng tôi, dù chỉ gắn bó ít thôi nhưng yêu thương đã nhiều lắm!

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi