Thứ Sáu, 26/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Nâng cao hiệu quả hoạt động tự học của học viên Trường Cao đẳng CSND I

Thực tiễn cho thấy, cuộc sống luôn vận động và phát triển không ngừng và tự thân nó đòi hỏi con người muốn tồn tại và phát triển được phải không ngừng vận động, học tập để theo kịp sự phát triển của xã hội. Đặc biệt, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật ngày nay, việc học tập lại càng trở nên quan trọng hơn và được thực hiện với nhiều phương pháp khác nhau, trong đó tự học là phương pháp đem lại hiệu quả cao nhất.


Học viên tự học tại Thư viện nhà trường

Nếu như học là quá trình tìm hiểu, thu nhận kiến thức từ người dạy qua đó hình thành kĩ năng của bản thân, thì tự học là sự chủ động, tích cực, độc lập tìm hiểu, lĩnh hội tri thức và hình thành kĩ năng cho mình mà có thể không cần sự hướng dẫn của người khác. Quá trình tự học cũng có nhiều hình thức khác nhau, có thể tự người học mày mò tìm hiểu hoặc có sự chỉ bảo, hướng dẫn của giáo viên… Tuy nhiên, dù ở hình thức nào thì sự chủ động tiếp nhận tri thức của người học vẫn là quan trọng nhất.

Đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nói chung và học viên Trường Cao đẳng CSND I nói riêng, tự học là hoạt động rất cần thiết, vì nó không chỉ trang bị kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cho học viên mà còn hình thành ở mỗi học viên năng lực tự học, thích ứng với môi trường công tác, chiến đấu vô cùng phức tạp, nguy hiểm và chịu nhiều tác động của các yếu tố tiêu cực khác. 

Trong thời gian qua, Trường Trường Cao đẳng CSND I đã không ngừng đổi mới quá trình dạy học và rèn luyện để nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, thực trạng tự học, kỹ năng tự học của học viên còn một số hạn chế nhất định, như: Nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động tự học của học viên còn chưa thống nhất, một số học viên còn cho rằng tự học là không cần thiết vì sau này ra công tác sẽ làm quen với công việc và chỉ học những thứ cần thiết cho công việc; hệ thống tài liệu phục vụ cho công tác tự học, tự nghiên cứu của học viên còn hạn chế, tài liệu chưa phong phú; học viên còn tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá, do đó chưa cân đối được thời gian cho hoạt động tự học; đối với các môn thực hành có độ khó cao, đòi hỏi phải có phương tiện, trang thiết bị cần thiết mới có thể tập luyện được thì học viên chưa thể tự tổ chức các hoạt động tự học được do không đảm bảo sự an toàn…

Để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tự học của học viên Trường Cao đẳng CSND I trong thời gian tới, tôi xin đề xuất với Đảng uỷ, Ban Giám hiệu nhà trường và các đơn vị chức năng một số nội dung cần tập trung thực hiện như sau:

Một là, nâng cao nhận thức cho học viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của tự học, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 ngày càng ảnh hưởng sâu rộng và có tác động trên nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động dạy học. Quá trình nâng cao nhận thức cho học viên cần phải làm rõ mục đích, động cơ học tập gắn với trách nhiệm của lực lượng CAND trong bảo đảm ANTT hiện nay. Từ nhận thức đúng sẽ giúp học viên tự giác trong hoạt động học tập và rèn luyện, trong đó có hoạt động tự học. Chỉ khi học viên tự giác trong học tập, tự mày mò, nghiên cứu, tìm hiểu mở rộng kiến thức trong các tài liệu và trên các phương tiện truyền thông, intenet… thì chất lượng dạy học mới được nâng cao.

   

Học viên Nguyễn Quốc Hưng lớp B2C8BK56S tự học tại phòng ở

Hai là, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm, giáo viên chỉ là người nêu vấn đề, gợi mở để học viên tự nghiên cứu, tự học tập để “lấp đầy” những tri thức khoa học cần thiết theo định hướng của giáo viên. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần chú trọng nâng cao năng lực tư duy, rèn luyện tác phong tư duy mạch lạc, rõ ràng, chính xác, hệ thống, lôgic, tư duy phê phán, tư duy sáng tạo, năng lực phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề, tìm ra cái bản chất là hết sức cần thiết để nâng cao năng lực trí tuệ và tư duy, qua đó nâng cao năng lực tự học cho học viên.

Ba là, thường xuyên quan tâm đến công tác dạy học, theo hướng nâng cao nhận thức của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về hoạt động tự học của học viên, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng bài giảng, thể hiện ở nội dung học thuật và tính cập nhật của kiến thức chuyên môn cũng như thực tiễn. Vận dụng linh hoạt, hiệu quả các phương pháp giảng dạy tích cực, phù hợp với đặc thù môn học và khai thác có hiệu quả các phương tiện giảng dạy hiện đại, như: Phương pháp thuyết trình, nêu vấn đề, tạo tình huống, thảo luận nhóm… kết hợp sử dụng bảng tương tác, các phần mềm trình chiếu, thiết kế bài giảng thông minh phù hợp với đối tượng học. Quá trình sử dụng các phương pháp giảng dạy, phải hướng đến kích thích tính tích cực, sáng tạo của học viên, buộc học viên phải luôn động não, nghĩa là trong thuyết trình có nêu vấn đề, tạo tình huống... để học viên suy nghĩ, tự lý giải, tự liên hệ, tăng cường tổ chức cho học viên thảo luận, tranh luận, làm việc nhóm, qua đó tăng sự tự tin cho học viên.

Bốn là, giáo viên cần chú trọng giao nhiệm vụ nghiên cứu cho học viên sau mỗi buổi lên lớp, nội dung giao học viên nghiên cứu mang tính bao quát, chuyên sâu góp phần làm sáng tỏ, củng cố thêm những nội dung giáo viên truyền đạt trên lớp, đồng thời gợi mở những vấn đề cần làm sáng tỏ trong buổi học sau. Sau khi giao nội dung cho học viên tự nghiên cứu, giáo viên cần chỉ rõ nguồn tài liệu cần nghiên cứu và phối hợp chặt chẽ với cán bộ quản lý lớp học (giáo viên chủ nhiệm) để đôn đốc học viên tự nghiên cứu, học tập tại ký túc xá hoặc tại thư viện. Đây là nội dung quan trọng và rất cần thiết, đảm bảo cho học viên thực hiện và  hoàn thành các nhiệm vụ giáo viên giao cho.

Năm là, trước mỗi buổi lên lớp, giáo viên cần dành thời gian phù hợp để kiểm tra bài cũ và đánh giá kết quả tự học của học viên. Đây là nội dung quan trọng mà giáo viên lên lớp cần quan tâm thực hiện nhằm đảm bảo cho việc kiểm tra, đánh giá kết quả tự học của học viên qua đó kịp thời phát hiện và động viên khen thưởng những học viên tích cực trong tự học, chuẩn bị bài theo nội dung giáo viên giao, việc khen thưởng có thể thông qua hình thức cho điểm miệng để thay thế cho điểm kiểm tra thường xuyên và biểu dương trước tập thể lớp. Đồng thời, với những học viên chưa hoàn thành nhiệm vụ, chưa giải quyết các nội dung giáo viên giao cần tiến hành phê bình, nhắc nhở trước lớp để học viên rút kinh nghiệm chung, nếu tiếp tục tái phạm có thể phối hợp với giáo viên chủ nhiệm để hạ phân loại thi đua tháng.

Đồng chí Thiếu tá Hoàng Thị Hồng Phượng- Giáo viên khoa Nghiệp vụ cơ bản hướng dẫn học viên sau giờ lên lớp

Sáu là, Nhà trường cần tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, những buổi tọa đàm, trao đổi xoay quanh vấn đề nâng cao năng lực tự học của học viên, qua đó giúp học viên có thể học hỏi được những phương pháp và kinh nghiệm hay để vận dụng vào quá trình tự học của bản thân. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện và phát triển hệ thống học trực tuyến cả về nội dung và hình thức, bảo đảm tính chính xác, hệ thống, lôgic, phong phú và cập nhật; nâng cao tính tiếp cận của website E-learning, tức là biến việc học trực tuyến trở thành phổ cập như học trên lớp. Mặt khác, tăng cường hỗ trợ học viên về mặt tài liệu học tập bằng cách tiếp tục phát triển hệ thống thư viện phòng đọc và thư viện online với nguồn tài liệu phong phú và cập nhật, khai thác thuận tiện và dễ dàng, đáp ứng được nhu cầu học tập của học viên.

Như vậy, để nâng cao năng lực tự học của học viên Trường Cao đẳng CSND I cần thực hiện đồng bộ hàng loạt các giải pháp từ phía bản thân mỗi học viên đến phía giáo viên và Nhà trường trong đó giáo viên giữ vai trò định hướng, bản thân học viên giữ vai trò quyết định.

Bài và ảnh: Nguyễn Thị Thu Trang (Khoa Nghiệp vụ cơ bản)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi