Thứ Tư, 24/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 – 05/6/2021) và niềm cảm hứng mãnh liệt cho thế hệ trẻ Việt Nam

Vào ngày 5/6/1911, trên con tàu Amiral La Touche De Tréville từ Bến cảng Nhà Rồng thành phố Sài Gòn - Gia Định, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành tự giới thiệu là “Văn Ba” xin làm phụ bếp, rời Tổ quốc và bắt đầu cuộc hành trình 30 năm đi tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Vào thời điểm đó, không ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định ra đi của một chàng thanh niên yêu nước mà lịch sử đã chứng minh đây là một quyết định sáng suốt, phi thường.

Con tàu Amiral La Touche De Tréville chở Nguyễn Tất Thành bắt đầu hành trình ra đi tìm đường cứu nước

Với ách đô hộ của thực dân Pháp, chúng đã biến nước ta thành nước thuộc địa nửa phong kiến. Chúng dùng mọi thủ đoạn thâm độc khai thác tài nguyên và bóc lột dã man của cải và sức lao động của nhân dân ta để làm giàu cho chính quốc. Trước tình cảnh ấy, tiếp nối truyền thống chống ngoại xâm bất khuất của dân tộc, nhiều phong trào yêu nước bùng phát theo những đường lối, khuynh hướng đấu tranh khác nhau nhằm đánh đuổi thực dân Pháp và bè lũ tay sai để giành độc lập, tự do cho dân tộc nhưng đều thất bại. Những chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã đi đầu trên con đường tìm đường cứu nước nhưng vẫn không tìm ra cách giải phóng được dân tộc.

Chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, khi đó mới 21 tuổi, đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước, trong vòng 10 năm, từ năm 1911 đến năm 1920, Người đã tận dụng mọi cơ hội để được đến nhiều nơi trên thế giới. Bàn chân của Người đã từng in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ. Đặc biệt Người đã dừng chân khảo sát khá lâu ở 3 nước đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, Anh và Pháp. Với những chuyến đi, Người tranh thủ mọi thời cơ để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa, từ đó Người đã bổ sung cho mình những kiến thức vô cùng phong phú với một tầm nhìn hết sức rộng lớn và bao quát. Từ đó, Người đã rút ra kết luận chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa.

Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tua, tháng 12.1920

Chính chủ nghĩa yêu nước cùng với những năm tháng tìm tòi không mệt mỏi về lý luận và hoạt động trong phong trào công nhân quốc tế, người thanh niên Việt Nam Nguyễn Tất Thành bất chấp mọi hiểm nguy, đến với chủ nghĩa Mác Lênin, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp cuối năm 1920, trở thành nhà hoạt động quốc tế xuất sắc Nguyễn Ái Quốc. Sớm nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của lịch sử và tính chất của thời đại mới mà Cách mạng Tháng Mười mở ra, Người xác định con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc đúng đắn, khám phá ra chân lý lịch sử: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Sau này, khi kể lại sự kiện quan trọng đó, Người nói: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đầy đến khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế III”.

Từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường Kách mệnh”, đặc biệt là việc xuất bản tờ báo Thanh niên ra ngày 21-6-1925, Người đã chuẩn bị về đường lối chính trị để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong thời gian này, Người cũng tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ với việc Người lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ và gửi đi học ở Liên Xô ... Khi điều kiện thành lập Đảng đã chín muồi, ngày 3/2/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản đã nhất trí thành lập một đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hành trình buôn ba đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ

Sau hơn 30 năm bôn ba nước ngoài, rời xa Tổ quốc, ngày 28/1/1941, Người về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, con đường duy nhất phải theo là con đường cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo đánh đổ đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc, sau đó tiến lên thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Ngày 19/5/1941, giữa vùng núi rừng Pắc Bó, Người đã sáng lập Mặt trận Việt Minh. Mặt trận Việt Minh ra đời giữa lúc nhân dân Việt Nam vận mệnh dân tộc đang trong cảnh nước sôi lửa bỏng. Sự thành lập và hoạt động của Mặt trận Việt Minh đã trở thành nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam của hiện tại..

Bác Hồ những ngày ở Pắc Bó – Cao Bằng

Cuộc đời hoạt động cách mạng đầy sôi nổi của Người trong 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc là một tấm gương sáng cho hoài bão, ý chí nghị lực và cả sức mạnh của tuổi trẻ trong cuộc đấu tranh cách mạng và thúc đẩy phát triển xã hội. Cũng chính trong những năm tháng đó, Người đã nhận ra những phẩm chất tuyệt vời của thanh niên, sứ mệnh của họ đối với Tổ quốc, dân tộc và mạnh dạn giao nhiệm vụ, từng bước dìu dắt thanh niên tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người theo quỹ đạo cách mạng vô sản.

Sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước đã và đang truyền cảm hứng để mỗi thanh niên Việt Nam không ngừng nỗ lực, thi đua xây dựng nước nhà ngày càng giàu mạnh. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay", vì vậy, thế hệ trẻ nước ta nói chung và tuổi trẻ Công an nhân dân nói riêng cần phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, học tập Bác bằng những việc làm cụ thể sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục tìm nhiều cách thức để xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong đợi từ khi mới thành lập nước. Công cuộc đó, sự nghiệp đó chưa có tiền lệ, chưa sẵn có mô hình để đi theo mà gần như là phải dò dẫm. Do đó, trong mỗi hoàn cảnh, mỗi điều kiện phải có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo để có thể đạt được kết quả tốt nhất.

Thứ hai, mỗi thanh niên phải luôn thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn tìm ra những lối đi mới chứ không bước trên lối mòn cũ. Bác Hồ đã không đi Nhật như cụ Phan Bội Châu, không đi Trung Quốc như cụ Nguyễn Thượng Hiền, không giống như cụ Phan Chu Trinh, không bạo động theo đường lối dân chủ như cụ Hoàng Hoa Thám… Bởi Người nhìn thấy các mặt tích cực nhưng cũng nhận ra nhiều điểm hạn chế của các lối đi cũ. Cần tạo ra những đột phá mới trên tất cả các lĩnh vực, xây dựng cho mình những ý tưởng sáng tạo và quyết tâm thực hiện ý tưởng đó.

Thứ ba, linh hoạt, sáng tạo để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Quá trình bôn ba của Bác là một hành trình đầy gian khổ, hiểm nguy; bằng sự quyết tâm cao, sự linh hoạt trong từng tình huống cụ thể, Bác đã vượt qua và đạt được mục tiêu đề ra. Trong thế giới đầy biến động hiện nay, mỗi thanh niên không chỉ nắm bắt tốt các thời cơ, vận hội mang đến mà cần phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong mọi tình huống của cuộc sống để đạt được mục tiêu, lý tưởng của mình.

Thứ tư, không ngừng học tập các trào lưu, tiến bộ của nhân loại nhưng việc học tập đó phải có sự chọn lọc sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Là người đi khắp các Châu lục, tiếp thu nhiều luồng tư tưởng cũ và mới lúc bấy giờ, Hồ Chí Minh đã học tập những tinh hoa của các luồng tư tưởng đó. Người xác định con đường cách mạng là theo chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng cũng vận dụng học thuyết “tam dân” của Tôn Trung Sơn, từng chủ trương áp dụng chính sách kinh tế mới của Lênin, thực hiện tinh thần bác ái của các tôn giáo lớn… Người cũng đã nhận được sự giúp đỡ nhiều mặt của nhiều người, nhiều nước nhưng sau cùng, Người vẫn chủ trương “lấy sức ta mà giải phóng cho ta”... Ngày nay, trong thế giới phẳng, có rất nhiều trào lưu mới, ta có thể học những cái tinh hoa và phù hợp của từng trào lưu đó nhưng không phụ thuộc, không được dựa dẫm vào người khác, vào nước khác. Mỗi người trẻ cần độc lập, tự chủ trong việc xây dựng cuộc sống và mưu cầu hạnh phúc của riêng mình, tránh chờ đợi, trông cậy vào người khác.

Thứ năm, phải luôn luôn nỗ lực, phấn đấu và không được thỏa mãn. Cả quá trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh cũng như suốt cuộc đời cách mạng của Người, Người đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu. Đó là một tấm gương sáng cho tất cả chúng ta trong bối cảnh hiện nay. Từng cá nhân hay một tổ chức, thậm chí một đất nước, nếu muốn thành công thì bản thân hay các thành viên của tổ chức, đất nước ấy phải nỗ lực, đoàn kết và không ngừng phấn đấu. Không chỉ vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa, nếu bản thân không phát triển thì sẽ sớm bị tụt hậu và bị lệ thuộc.

Nhân dân cả nước vào Lăng thăm Bác

Cảm hứng từ sự kiện Người ra đi tìm đường cứu nước có thể dành cho cá nhân hoặc dành cho các tập thể, các nhóm người, thậm chí cả xã hội, cả đất nước. Dù với chủ thể nào, “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” của cảm hứng này là khát vọng vươn tới những tầm cao. Năm xưa, Hồ Chí Minh từng chịu cảnh đau đớn khi mất nước mà quyết tâm tìm được con đường cứu nước. Ngày nay, nhiều người đã nói về sự tự ti của một nước nghèo nàn, lạc hậu, dù trên thực tế nước ta hiện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và có ý nghĩa lịch sử nhưng so với tiềm năng và với các nước thì vẫn chưa tương xứng nên mỗi cá nhân, mỗi tập thể, mỗi cộng đồng phải nỗ lực thật nhiều để làm giàu cho bản thân và cùng nhau làm giàu cho đất nước. Có như vậy thì mới góp phần “xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” và “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mong mỏi./.

Đoàn Thanh niên Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I

 

 

 

 

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi